Bối cảnh lịch sử Dự án thử nghiệm Apollo–Soyuz

Tổng thống Mỹ Richard NixonChủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Aleksey Kosygin (ngồi) ký kết một thỏa thuận tại Moskva mở đường cho sứ mệnh Apollo–Soyuz, tháng 5 năm 1972.

Mục đích và chất xúc tác cho sứ mệnh Apollo–Soyuz là chính sách détente giữa hai siêu cường lúc bấy giờ trong Chiến tranh Lạnh: Hoa KỳLiên Xô. Căng thẳng đã gia tăng khi Hoa Kỳ tham gia vào chiến sự tại Việt Nam. Trong khi đó, báo chí Liên Xô chỉ trích mạnh mẽ các sứ mệnh không gian Apollo, họ đã in dòng chữ "việc xâm nhập có vũ trang của Mỹ và bù nhìn Sài Gòn vào Lào là sự chà đạp trắng trợn dưới chân luật pháp quốc tế" trên bức ảnh vụ phóng tàu Apollo 14 năm 1971.[2] Mặc dù nhà lãnh đạo Xô viết Nikita Khrushchyov đã đưa ra chính sách hòa hoãn của đất nước trong học thuyết về chung sống hòa bình năm 1956 tại Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô,[3] hai quốc gia dường như vẫn không ngừng xung đột với nhau.

Sau chuyến bay trên quỹ đạo của John Glenn năm 1962, một cuộc trao đổi thư từ giữa Tổng thống John F. Kennedy và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nikita Khrushchyov đã dẫn đến hàng loạt các cuộc thảo luận do Phó quản lý NASA Hugh Dryden cùng nhà khoa học Liên Xô Anatoli Blagonravov đứng đầu. Những buổi đàm phán giữa họ đã dẫn đến việc ký kết hiệp định Dryden-Blagonravov và sau đó được chính thức hóa vào tháng 10 năm 1962, cùng thời điểm hai nước đang ở giữa cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Thỏa thuận được chính thức công bố tại Liên Hợp Quốc vào ngày 5 tháng 12 năm 1962, trong đó kêu gọi hợp tác trao đổi dữ liệu từ các vệ tinh thời tiết, một nghiên cứu về từ trường của Trái Đất, và theo dõi chung vệ tinh khinh khí cầu Echo II của NASA.[4] Kennedy từng gợi ý với Khrushchyov về một cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng có sự hợp tác chung giữa hai nước,[5] nhưng sau khi ông bị ám sát vào tháng 11 năm 1963 và Khrushchyov bị phế truất vào tháng 10 năm 1964, sự cạnh tranh giữa các chương trình không gian có người lái của hai quốc gia ngày càng nóng lên, và những cuộc thảo luận về vấn đề hợp tác trở nên ít phổ biến hơn do quan hệ căng thẳng cùng những tác động quân sự từ hai phía.

Ngày 19 tháng 4 năm 1971, Liên Xô phóng trạm không gian có người lái đầu tiên trên thế giới là Salyut 1 lên quỹ đạo Trái Đất. Trong khi đó, Hoa Kỳ cũng phóng thành công sứ mệnh Apollo 14 trước đó vài tháng, đây là sứ mệnh thứ ba đưa con người đổ bộ lên Mặt Trăng. Mỗi bên đều chỉ đưa ra một ít thông tin về những thành tựu mà họ đã đạt được trong giai đoạn này.[2]

Cả hai bên đều có những lời chỉ trích gay gắt đối với kỹ thuật của đối thủ. Tàu vũ trụ của Liên Xô được thiết kế với mục đích tự động hóa; cả Lunokhod 1Luna 16 đều là các tàu thăm dò không người lái, và mỗi chiếc tàu vũ trụ Soyuz đều được thiết kế để giảm thiểu rủi ro do lỗi của con người bằng cách bớt đi một số điều khiển thủ công mà người vận hành phải thực hiện trong suốt chuyến bay. Ngược lại, tàu vũ trụ Apollo được thiết kế để con người vận hành và yêu cầu các phi hành gia phải được đào tạo bài bản. Người Liên Xô đã chỉ trích tàu vũ trụ Apollo là "cực kỳ phức tạp và nguy hiểm".[2]

Người Mỹ cũng có những mối lo ngại về tàu vũ trụ của đối thủ. Christopher C. Kraft, giám đốc Trung tâm vũ trụ Johnson, đã chỉ trích thiết kế của Soyuz:

"Chúng tôi ở NASA tin nhờ vào các thành phần dự phòng — nếu một thiết bị gặp hỏng hóc trong quá trình bay, phi hành đoàn của chúng tôi sẽ chuyển đổi sang thiết bị khác để cố gắng tiếp tục sứ mệnh. Tuy nhiên, mỗi bộ phận trên Soyuz lại được thiết kế cho một chức năng chuyên biệt; nếu một cái bị hỏng, những nhà du hành vũ trụ sẽ phải hạ cánh càng sớm càng tốt. Tàu Apollo cũng dựa vào việc điều khiển của phi hành gia ở mức độ lớn hơn nhiều so với Soyuz."[6]

Những phi hành gia người Mỹ đánh giá rất thấp tàu vũ trụ Soyuz vì đây là phương tiện được thiết kế để điều khiển từ mặt đất, điều này hoàn toàn trái ngược với mô-đun Apollo vốn được thiết kế để bay từ khoang vũ trụ. Cuối cùng, Glynn Lunney, Giám đốc Chương trình thử nghiệm Apollo–Soyuz, đã phải cảnh báo những phi hành gia này về việc bày tỏ sự bất mãn với báo chí do họ đã xúc phạm người Liên Xô.[6] NASA lo lắng rằng bất kỳ sự sơ suất nào cũng có thể khiến Liên Xô rút lui và sứ mệnh bị hủy bỏ.

Các kỹ sư người Mỹ và Liên Xô đã giải quyết những khác biệt về quan điểm đối với khả năng ghép nối tàu vũ trụ hai nước trong các cuộc họp từ tháng 6 đến tháng 12 năm 1971 tại HoustonMoskva, gồm có thiết kế hệ thống Androgynous Peripheral Attach (APAS) giữa hai con tàu của Bill Creasy để cho phép khả năng ghép nối chủ động hoặc thụ động.[7]

Với sự kết thúc của Chiến tranh Việt Nam, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Liên Xô bắt đầu được cải thiện, cũng như dự đoán về một sứ mệnh không gian hợp tác tiềm năng.[2] Apollo–Soyuz có được là nhờ sự tan băng của mối quan hệ này, bản thân dự án cũng đã nỗ lực khuếch đại và củng cố mối quan hệ đang dần được cải thiện giữa hai nước. Theo nhà lãnh đạo Xô viết Leonid Brezhnev, "Các phi hành gia của Liên Xô và Mỹ sẽ bay vào vũ trụ cho thí nghiệm khoa học chung lớn đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Họ biết rằng nhìn từ ngoài không gian, hành tinh của chúng ta trông còn đẹp hơn nữa. Nó đủ lớn để chúng ta có thể chung sống hòa bình trên đó, nhưng quá nhỏ để bị đe dọa bởi chiến tranh hạt nhân".[2] Vì vậy, cả hai bên đều công nhận ASTP là một hành động chính trị vì hòa bình.[7]

Tháng 10 năm 1970, chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô Mstislav Keldysh hồi đáp bức thư đề xuất một sứ mệnh không gian chung của Trưởng quản lý NASA Thomas O. Paine, sau đó đã có một cuộc họp giữa hai phía để thảo luận về các chi tiết kỹ thuật. Tại một hội nghị vào tháng 1 năm 1971, Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Richard NixonHenry Kissinger nhiệt tình tán thành các kế hoạch cho sứ mệnh, và đã bày tỏ những quan điểm sau với Trưởng quản lý NASA George Low: "Miễn là anh bám vào không gian, cứ làm bất cứ điều gì anh muốn. Anh được tự do ủy thác—thực ra, tôi muốn anh nói với những người đồng cấp của mình ở Moscow rằng Tổng thống đã cử anh đi thực hiện sứ mệnh này". Vào tháng 4 năm 1972, cả hai quốc gia Hoa Kỳ và Liên Xô đều ký vào Hiệp định về hợp tác thăm dò và sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình,[8] cam kết hai nước sẽ khởi động Dự án thử nghiệm Apollo–Soyuz vào năm 1975.[9]

ASTP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với chính sách của Liên Xô trong việc giữ bí mật các chi tiết về chương trình không gian của họ với người dân trong nước nói riêng và thế giới nói chung, đặc biệt là người Mỹ. Đây là sứ mệnh không gian đầu tiên của Liên Xô được truyền hình trực tiếp trong quá trình phóng, khi ở trong không gian và trong quá trình hạ cánh.[2] Soyuz 19 cũng là tàu vũ trụ đầu tiên của Liên Xô mà phi hành đoàn nước ngoài được tiếp cận trước chuyến bay; phi hành đoàn Apollo được phép kiểm tra nó cũng như địa điểm phóng và nơi huấn luyện phi hành đoàn, đó là sự chia sẻ thông tin chưa từng có với người Mỹ về bất kỳ chương trình không gian nào của Liên Xô.[6]

Không phải tất cả các phản ứng về ASTP đều tích cực. Nhiều người Mỹ lo ngại[6] rằng ASTP đã dành quá nhiều tín nhiệm cho Liên Xô trong chương trình không gian của họ, đặt họ ngang hàng với những nỗ lực thám hiểm vũ trụ phức tạp của NASA. Người ta lo ngại hơn nữa rằng sự hợp tác hòa bình rõ ràng giữa Liên Xô và Hoa Kỳ sẽ khiến mọi người tin rằng không có xung đột nào giữa hai siêu cường.[2] Một số nhà báo Liên Xô gọi những người Mỹ chỉ trích sứ mệnh là "những kẻ mị dân chống lại sự hợp tác khoa học với Liên Xô".[2] Nhìn chung, căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Liên Xô đã dịu bớt và dự án cũng đặt tiền lệ cho các nhiệm vụ hợp tác không gian trong tương lai.[8]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Dự án thử nghiệm Apollo–Soyuz https://www.mannedspaceops.org/missions/apollo-soy... https://history.state.gov/milestones/1953-1960/khr... https://web.archive.org/web/20200801185734/https:/... https://web.archive.org/web/20110524064713/https:/... https://web.archive.org/web/20211130095845/https:/... https://web.archive.org/web/20151002135431/http://... https://web.archive.org/web/20070823124845/https:/... https://web.archive.org/web/20090725172011/http://... https://web.archive.org/web/20210225184511/http://... https://web.archive.org/web/20110123000956/http://...